Loading Loading

HẬU QUẢ HỢP LÍ CHO NHỮNG HÀNH VI SAI CỦA TRẺ

HẬU QUẢ HỢP LÍ CHO NHỮNG HÀNH VI SAI CỦA TRẺ

Khi những hành động của trẻ không có hậu quả tự nhiên nào và việc chỉ nói chuyện, giải thích với trẻ là không đủ, thay vì trừng phạt, bố mẹ hãy nghĩ ra một hậu quả hợp lí cho trẻ. Ví dụ, nếu trẻ không chịu cất gọn đồ chơi thì bố mẹ tạm thời sẽ cất gọn đồ chơi vài ngày không cho trẻ chơi chẳng hạn. Để đưa ra được hậu quả hợp lí, bố mẹ hãy lưu ý những điểm sau:

HẬU QUẢ PHẢI LIÊN KẾT VỚI HÀNH VI
Ví dụ:
Trường hợp 1: Bố: Nếu con không cất gọn đồ chơi, bố sẽ cho chúng vào túi và cất vào kho vài hôm.
Trường hợp 2: Bố: Nếu con không cất đồ chơi, con sẽ không được xem ti vi tối nay / không được đi chơi ngày mai.
Trong hai trường hợp trên, trường hợp nào là hậu quả hợp lí? Đó chính là trường hợp thứ nhất vì hậu quả bố mẹ đưa ra “cách li trẻ và đồ chơi vài hôm” liên kết với hành vi “trẻ không cất gọn đồ chơi”. Ngược lại, việc xem ti vi và đi chơi không hề liên quan gì đến hành động không cất gọn đồ chơi của trẻ cả, nó là một hình thức trừng phạt. Và trẻ sẽ không thể liên kết giữa hành vi và hậu quả khi mọi thứ đều bị bố mẹ quy về: không được đi chơi/ không được xem ti vi…

HẬU QUẢ PHẢI HỢP LÍ DỰA TRÊN QUYỀN LỢI CỦA CẢ TRẺ VÀ BỐ MẸ
Ví dụ:
Mẹ: Nếu con không cất gọn đồ chơi, mẹ sẽ vứt chúng đi đấy!
Câu nói này nghe có vẻ rất liên kết với hành vi: không chơi >>> vứt đồ chơi. Nhưng hậu quả này quá nặng nề so với một hành động nhỏ của trẻ là không cất gọn đồ chơi. Vì thế, hậu quả hợp lí là phải cân bằng giữa hậu quả và hành động một cách hợp lí. Bố mẹ thường nghĩ là nên đưa ra hậu quả thật nặng thì trẻ mới nhớ nhưng thực ra chỉ cần hậu quả vừa phải, trẻ sẽ hiểu lần sau nên hành động thế nào. Hậu quả nặng nề sẽ khiến trẻ mất hết hi vọng và muốn phản kháng.

HẬU QUẢ ĐÓ CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC
Bố mẹ nhiều khi đưa ra những hậu quả mà chắc chắn bố mẹ và trẻ đều không thể thực hiện được. Ví dụ, khi trẻ không chịu đi học, bố mẹ bảo sẽ để trẻ ở nhà một mình; khi trẻ đòi một món đồ nào đó, bố mẹ bảo vứt nó đi… Đừng đưa ra những hậu quả mà bạn không thể làm hoặc không thể kiên quyết làm đến cùng, trẻ sẽ dần không tin vào những hậu quả mà bạn đưa ra nữa và bị nhờn.

HẬU QUẢ NÊN HƯỚNG ĐẾN VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Khi trẻ làm một hành động gì đó sai hay cư xử không đúng: đánh em, ném đồ chơi, làm vỡ đồ, nói hỗn với người lớn… bố mẹ nên hướng những hậu quả đến việc khắc phục hậu quả từ hành vi của trẻ. Ví dụ đánh em thì phải xin lỗi em, xoa hoặc thổi chỗ đau cho em, đưa em đi chơi. Ném đồ chơi thì phải dọn hoặc sửa đồ chơi đó. Nói hỗn với người lớn thì phải xin lỗi...
Việc phải khắc phục hậu quả thường làm trẻ khó chịu, nhưng chúng sẽ ghi nhớ hơn về hành động của mình.

NHỮNG NGUYÊN TẮC KHI ÁP DỤNG HẬU QUẢ HỢP LÍ
SUY NGHĨ KĨ VÀ CÓ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA TRẺ
Bố mẹ nên đưa ra hậu quả hợp lí khi đã bình tĩnh và hiểu rõ “làm thế nào để trẻ nhớ”, chứ không nên đưa ra hậu quả chỉ vì tức giận hay đáp trả lại hành vi của trẻ. Nếu bạn làm như thế, hậu quả sẽ có thể quá nặng nề, không liên quan và không có giá trị giáo dục. Vì vậy, nếu đang tức giận thì đừng đưa ra hậu quả, bạn có thể tạm dừng lại Timeouts chính mình để có thời gian suy nghĩ và nói với trẻ: “Tạm thời mẹ chưa nghĩ ra hậu quả nào hợp lí cả, mẹ sẽ suy nghĩ thêm. Khi nào mẹ có quyết định mẹ sẽ nói cho con biết.” Đừng sợ không kỉ luật ngay thì sẽ mất hiệu quả, việc thấp thỏm chờ hậu quả cũng đã có thể là một hậu quả hợp lí đối với trẻ rồi.
Bên cạnh đó, không nhất thiết bạn phải là người nghĩ ra hậu quả, bạn có thể cùng thảo luận với trẻ.
Ví dụ:
- Con không muốn cất đồ chơi. Vậy con có phương án nào để chỗ này gọn gàng không?
- Con bực mình và đánh bạn nhưng đánh bạn làm bạn đau. Con nghĩ phải làm thế nào bây giờ?
- Con không muốn đi đánh răng thì sâu răng sẽ ăn hết răng con. Con có cách nào đánh đuổi lũ sâu răng không?
Khi bạn giải thích, phân tích tình hình với trẻ, hãy hướng trẻ vào hành động trẻ vừa làm và cách nào để giải quyết vấn đề, giảm nhẹ hậu quả của hành động. Thông thường, trẻ rất thông minh và có thể nghĩ ra những cách giải quyết khiến bạn phải giật mình đấy.

KHÔNG PHÁN XÉT, TẬP TRUNG VÀO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Ví dụ:
Trẻ đòi cầm đồ, mẹ đã dặn dò nhưng trẻ vẫn làm rơi.
Mẹ: Đồ bị rơi ra rồi, con nhặt vào cho mẹ đi.
Mẹ: Mẹ đã bảo con là con không cầm được mà không nghe, giờ thì thấy hậu quả chưa. Lúc nào cũng hậu đà hậu đậu. Nhặt đồ vào lại cho mẹ.
Trong ví dụ trên, người mẹ chỉ tập trung vào việc chỉ ra hậu quả và yêu cầu trẻ khắc phục. Ngược lại, ví dụ bên dưới, người mẹ lại tập trung vào việc phán xét, chỉ trích trẻ vì hành động sai. Nếu bạn đang tức giận, hãy nói càng ít càng tốt và tập trung vào vấn đề cần xử lí.

KIÊN QUYẾT NHƯNG GIỌNG ĐIỆU THÂN THIỆN, TÔN TRỌNG TRẺ
Hai anh em đang trêu chọc nhau trong bữa ăn:
Mẹ: Các hãy ngồi và ăn bữa sáng tử tế hoặc rời khỏi bàn ăn cho đến khi con sẵn sàng ăn cùng bố mẹ.
Mẹ: Hai con chấm dứt trò đó ngay hoặc là các con sẽ không được ăn gì nữa.
>>> Câu nói đầu tiên thể hiện sự tôn trọng, trong khi câu thứ 2 thể hiện sự đe dọa với trẻ.
Đôi khi, ranh giới giữa hậu quả hợp lí và trừng phạt rất mong manh. Giọng điệu bình tĩnh, thái độ thân thiện là những yếu tố then chốt đối với hậu quả hợp lí. Cho dù bạn cho là hậu quả ấy hợp lí bao nhiêu đi chăng nữa mà nói như kiểu đe dọa trẻ, trẻ sẽ nghĩ đó là sự trừng phạt. Sau đó, trẻ sẽ tức giận vì bạn đã áp đặt hậu quả, thay vì chịu trách nhiệm cho hành động của mình và học hỏi từ đó.
Hi vọng với bài viết này, bố mẹ đã có thể bình tĩnh để lần sau đưa ra một hậu quả hợp lí cho những hành vi sai của trẻ nhé! 

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646