Loading Loading

CHO TRẺ TIẾP XÚC VÀ TẬP CHI TIÊU VỚI THẺ NGÂN HÀNG

CHO TRẺ TIẾP XÚC VÀ TẬP CHI TIÊU VỚI THẺ NGÂN HÀNG

Việc sử dụng thẻ ngân hàng đang ngày càng trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi, hữu ích mà chúng mang lại. Tại Mỹ, ngay từ bậc tiểu học và trung học, trẻ em đều đã được học về kiến thức cơ bản của dịch vụ tài chính ngân hàng như việc sử dụng thẻ ngân hàng, học cách bảo mật tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện chưa có những chương trình như vậy nên kiến thức về sử dụng thẻ ngân hàng của trẻ nhỏ còn rất hạn chế, sau này khi lớn lên các con sẽ bỡ ngỡ rất nhiều khi cần giao dịch tại ngân hàng.

Tuy không được đưa vào hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên tạo thói quen thường xuyên chia sẻ, nhắc nhở, dạy con về cách quản lí và sử dụng đồng tiền. Một trong những bài học quan trọng đó là cho con làm quen, tiếp xúc và tập chi tiêu với thẻ ngân hàng ngay từ khi còn nhỏ nhé.

Theo hệ thống chương trình Dạy con về tiền bạc – Money As You Grow của Mỹ, bước đầu tiên trong hành trình khám phá những tấm thẻ ngân hàng là bố mẹ nên mở một tài khoản chung của cả gia đình. Có nhiều ngân hàng cung cấp các dịch vụ như vậy, trẻ nhỏ có thể sử dụng thẻ ngân hàng và thực hiện các giao dịch y như người lớn nhưng bố mẹ vẫn có thể theo dõi và kiểm soát các hoạt động của con. Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể hơn cho bố mẹ khi dạy con về bài học tài chính này nhé!

 CÓ NHỮNG LOẠI THẺ NGÂN HÀNG NÀO?
Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán không sử dụng tiền mặt với các loại thẻ thông dụng ở Việt Nam hiện nay bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ ATM...
 Thẻ ghi nợ (debit card) là hình thức chủ thẻ phải có tiền trong tài khoản mới có thể sử dụng để thanh toán hay thực hiện các giao dịch chi tiêu khác, giao dịch sẽ không được thực hiện nếu trong tài khoản của bạn không có đủ tiền. Bạn có thể sử dụng thẻ ghi nợ để thanh toán trực tiếp các dịch vụ hàng hóa, mua sắm qua các máy giao dịch được đặt tại các địa điểm thanh toán.
Thẻ tín dụng (credit card) là một công cụ thanh toán cho phép chủ thẻ “chi tiêu trước, trả tiền sau”. Ngân hàng sẽ cung cấp cho chủ thể một hạn mức chi tiêu, bạn có thể sử dụng hạn mức này để mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ và thực hiện các giao dịch khác. Ngân hàng sẽ thay chủ thẻ trả số tiền này cho nhà cung cấp dịch vụ, đến kì hạn chủ thẻ phải thanh toán lại khoản nợ tín dụng này lại cho ngân hàng.
 Thẻ ATM là thẻ có thể rút tiền được bằng máy rút tiền tự động (có thể bao gồm cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng); được sử dụng với chức năng thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, kiểm tra số dư tài khoản, mua thẻ điện thoại… Người dùng có thể sử dụng thẻ ATM thay cho tiền mặt bằng cách quẹt thẻ để thanh toán tại các địa điểm chấp nhận dịch vụ thẻ ATM.

Dựa trên những loại thẻ và công năng sử dụng riêng biệt như vậy, thì loại thẻ phù hợp mà phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ sử dụng là thẻ ghi nợ.

ĐỘ TUỔI PHÙ HỢP CHO TRẺ BẮT ĐẦU SỬ DỤNG THẺ NGÂN HÀNG
Theo Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 15/8/2016, trẻ em từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện pháp luật của trẻ đồng ý bằng văn bản về việc được sử dụng thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, loại thẻ mà trẻ em sử dụng là thẻ phụ chứ không phải thẻ chính. Do đó, bố mẹ (hoặc người đại diện) là người dùng thẻ chính phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hạn mức khi cho trẻ sử dụng thẻ phụ. Việc sử dụng thẻ này không được dùng để rút tiền mặt mà chỉ được dùng để thanh toán học phí, mua đồ ăn tại những nơi chấp nhận thanh toán thẻ.

Tấm thẻ phụ này về tính năng, không khác gì so với thẻ chính, nhưng hoàn toàn bị ràng buộc từ thẻ chính của bố mẹ. Cụ thể đó là chủ thẻ chính có quyền ra hạn mức chi tiêu hay điều kiện sử dụng cho thẻ phụ. Bố mẹ có thể yêu cầu ngân hàng chỉ cho phép trẻ nhỏ sử dụng thẻ phụ để tiêu một số tiền nhất định cho mỗi lần thanh toán, hay trong một tháng…

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, đây là bước tiến mới trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng theo thông lệ và sự phát triển tiên tiến của quốc tế. Đây cũng là một xu hướng ở các nước phương Tây để khuyến khích các bạn nhỏ tự lập và tự thanh toán một số món đồ hay dịch vụ cho mình. Với trẻ nhỏ, việc dùng thẻ thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ còn có thể tránh các sự cố đáng tiếc như đánh rơi tiền, cướp giật, móc túi… Đồng thời, đây cũng là một phương án tối ưu giúp bố mẹ kiểm soát được chi tiêu của con, tạo thói quen biết tạo lập, quản lí tài chính cho trẻ ngay từ nhỏ.

HƯỚNG DẪN TRẺ CÁCH TIÊU DÙNG HỢP LÍ KHI DÙNG THẺ
Nhiều phụ huynh vẫn thường quan niệm không nên dạy con tiêu tiền quá sớm vì sợ con lãng phí, chưa ý thức được việc quản lý tiền nong... Còn với trẻ nhỏ, những tấm thẻ ATM giống như một phép màu, bởi chỉ cần vài thao tác đơn giản, quẹt thẻ qua máy là sẽ đạt được ý nguyện mua những gì mình thích. Tuy nhiên, bố mẹ cần phân tích và chỉ dạy cho trẻ hiểu để có tiền mua đồ ăn hàng ngày, mua sắm áo quần… bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào nên con phải biết quý trọng, tiết kiệm tiền, cất giữ tiền cẩn thận, không được lãng phí.

Nhiều bố mẹ khi mở thẻ ngân hàng cho con cũng chỉ quan tâm đến mục đích sử dụng mà quên mất việc giáo dục, định hướng cho trẻ về giá trị của đồng tiền, đa phần các bạn nhỏ không hiểu nhiều về việc sử dụng tiền tiết kiệm, hợp lý. Vì vậy, trước khi chính thức trao tấm thẻ ATM cho các con, bố mẹ cần phải phổ biến kiến thức cơ bản về dịch vụ ngân hàng trước khi cho trẻ sử dụng các dịch vụ này.

Mầm Nhỏ đã có bài viết về việc việc mở tài khoản tiết kiệm cho con, cũng như chỉ dạy cho con các kiến thức cơ bản về tài chính ngân hàng, bố mẹ có thể tham khảo thêm nhé: https://www.facebook.com/mamnho.vn/photos/a.780549858807607/908797969316128/?type=3

CHỈ DẠY TRẺ BIẾT BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN
Hiện nay không ít các bạn nhỏ được bố mẹ giao thẻ khi chưa thuần thục các kĩ năng sử dụng cũng như chưa hiểu về tầm quan trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Bởi theo tâm lí lứa tuổi, trẻ nhỏ rất tò mò, mất cảnh giác, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.

Một trong những nguyên tắc đầu tiên với các bạn nhỏ khi được dùng thẻ (hay bất kì người sử dụng thẻ nào) là phải biết tuyệt đối giữ bí mật thông tin chủ thẻ. Bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu, khi bị lộ thông tin thẻ đồng nghĩa với số tiền trong tài khoản của con có thể bị kẻ gian tiêu mất hoặc sử dụng vào những mục đích xấu. Dưới đây là NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THẺ cực kì cần thiết mà bố mẹ nên hướng dẫn cho các bạn nhỏ nhé:

- Con cần nhớ kĩ mã số cá nhân (mã PIN) và nhập mã chính xác để tránh bị khóa thẻ
- Tuyệt đối không tiết lộ mã số cá nhân cho bất kì ai, không được ghi mã ngay trên thẻ
- Tuyệt đối không cho mượn thẻ để thanh toán
- Không chụp ảnh thẻ và nếu chụp ảnh thẻ thì phải làm mờ các chữ số in trên đó
- Không làm thẻ bị cong vênh, xước xát
- Ngoài ra, nếu thanh toán trực tuyến, con cần chú ý tìm hiểu và chọn các trang web thanh toán uy tín, hợp pháp, tránh bị đánh cắp dữ liệu khi thanh toán tại các trang web giả mạo.

Đặc biệt, bố mẹ cũng nên thiết lập thói quen thay đổi mã PIN cho con và cho chính mình thường xuyên để bảo mật thông tin một cách tốt nhất. Và lưu ý không nên chọn mã Pin trùng với ngày sinh, số điện thoại cá nhân nhé, bởi nếu thông tin trùng khớp với những điều đó thì những kẻ xấu có thể dễ dàng xâm nhập và “đánh cắp” tiền trong tài khoản.

BỐ MẸ CẦN KIỂM SOÁT CÁC GIAO DỊCH CỦA CON
Một điều rất quan trọng, đó là bố mẹ cần kiểm tra các hóa đơn mua hàng và thông tin giao dịch qua thẻ của con được ngân hàng thông báo qua SMS – tin nhắn điện thoại hay qua email. Khi con chi tiêu ở đâu, lúc nào, các khoản giao dịch sẽ được ngân hàng báo về số điện thoại của chủ thẻ chính là bố mẹ.

Hiện nay, tất cả các ngân hàng phát hành thẻ đều cung cấp cho chủ thẻ các thông báo giao dịch phát sinh thông qua tin nhắn SMS và sao kê hàng tháng thông qua email. Khi có tin nhắn về giao dịch phát sinh không hợp lý, bố mẹ cần phải liên hệ ngay với ngân hàng để kịp thời giải quyết. Đây là một cách rất tốt để bố mẹ có thể kiểm soát và quản lý các chi tiêu của con.

Dạy trẻ quản lí và tiêu dùng tiền với thẻ ngân hàng ngay từ nhỏ là những bài học rất hay và hữu ích, giúp con hiểu và quý trọng giá trị của đồng tiền hơn cũng như sống có trách nhiệm hơn. Và bố mẹ cũng đừng quên trước khi giao thẻ ngân hàng cho con, chúng ta nên giải thích và hướng dẫn tỉ mỉ cho trẻ về mục đích, ý nghĩa và cách sử dụng thẻ để bảo đảm an toàn tuyệt đối và sử dụng một cách hợp lí nhất nhé.
-----------------------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.780549858807607.1073741869.533438936852035&type=1&l=2e63f38935

Bài viết liên quan

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

Mẹ và bé

Tranh cãi, xích mích trong lúc chơi với nhau là điều rất phổ biến ở những đứa trẻ, điển hì
Xem chi tiết
NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

Mẹ và bé

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN? 😍😍 💁‍♀💁‍♂ Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũn
Xem chi tiết
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

Mẹ và bé

Một trong những điều khiến bố mẹ vô cùng đau đầu là làm thế nào để con giữ cho phòng của
Xem chi tiết
0946 626 646