Loading Loading

LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

LẠM DỤNG TINH THẦN LÀ GÌ? CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN 🆘

Những tổn thương về mặt thể chất để lại như vết sẹo hay bầm tím có thể dễ dàng phát hiện và chữa lành, tuy nhiên, những tổn thương về mặt tinh thần thì sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Với một đứa trẻ bị lạm dụng tinh thần, trẻ có thể không cần phải đến bệnh viện do những tổn thương trên thân thể, tuy nhiên, chắc chắn rằng trẻ sẽ bị ảnh hưởng do những tác động tiêu cực về tâm lý.

🚫🚫 Lạm dụng tinh thần là một trong những hình thức lạm dụng trẻ em phổ biến nhất, tuy nhiên, đa phần nó thường bị nhầm lẫn với việc giáo dục con cái nên ít được nhận biết và lên án hơn so với những hình thức lạm dụng khác. Đặc biệt, quan niệm “yêu cho roi cho vọt” trong văn hóa Á Đông đã tạo điều kiện cho phương pháp giáo dục lạc hậu khiến trẻ em bị lạm dụng tinh thần nhiều hơn. Trong bài viết ngày hôm nay, Mầm nhỏ sẽ cùng các bố mẹ tìm hiểu về việc lạm dụng tinh thần ở trẻ nhỏ cũng như cách phòng tránh việc trẻ bị lạm dụng tinh thần, hãy cùng tìm hiểu nhé!

 CÁCH NHẬN BIẾT TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

Chưa có một định nghĩa cụ thể nào về lạm dụng tinh thần trẻ em, nhưng có thể hiểu lạm dụng tinh thần là những hành vi của cha mẹ, người thân, người chăm sóc chính hay người có vị trí, quyền hạn với trẻ lợi dụng sự yếu đuối, phụ thuộc của trẻ đối với mình mà thực hiện những hành vi bao gồm lời nói, cử chỉ, hành động không làm tổn thương trẻ về mặt thể chất, nhưng lại công kích thẳng vào cảm xúc của trẻ, gây tổn thương về mặt tình cảm, tinh thần của trẻ. Họ mong muốn bằng hành vi đó có thể khiến trẻ thực hiện theo mục đích, yêu cầu nhằm thỏa mãn bản thân.

‼️ Một số dấu hiệu cảnh báo về việc trẻ bị lạm dụng tinh thần bao gồm:

- Tuyệt vọng trong việc tìm kiếm sự ảnh hưởng từ những người lớn khác
- Suy giảm thành tích học tập
- Quá trình phát triển thụt lùi (ví dụ như trẻ thường xuyên tè dầm trong khi trước đó đã thành thạo việc tự đi tè)
- Thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng hoặc gặp những vấn đề khác mà không rõ nguyên nhân
- Mất hứng thú với những hoạt động xã hội hay những hoạt động yêu thích khác
- Phiền muộn
- Lo lắng
- Né tránh tham gia vào một số tình huống (ví dụ như đi đến một địa điểm hoặc nhà của một người nào đó)
- Làm tổn thương chính mình hoặc người khác
- Hạ thấp lòng tự trọng của bản thân

Bạn có thể cho rằng, một đứa trẻ bị lạm dụng tinh thần dưới bất kỳ hình thức nào, sẽ tỏ ra xa cách với người lạm dụng trẻ, tuy nhiên, điều đó không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Một đứa trẻ có thể vẫn gắn bó với cha mẹ (hoặc những người chăm sóc đang lạm dụng trẻ) bởi trẻ lo sợ những hậu quả xảy ra nếu tiết lộ việc bị lạm dụng.

Một đứa trẻ bị lạm dụng tinh thần cũng có thể không nhận biết được rằng mình đang bị lạm dụng, và cho rằng đó là cách cư xử bình thường trong cuộc sống, do đó, trẻ sẽ không tiết lộ những điều đang xảy ra với mình.

 DẤU HIỆU CỦA THỦ PHẠM LẠM DỤNG TINH THẦN

Để nhận biết ai là người đang lạm dụng tinh thần đối với trẻ, cha mẹ có thể quan sát và nhận biết bằng 1 số dấu hiệu qua việc người đó có coi thường trẻ ở nơi công cộng hay không, công khai việc thừa nhận họ không thích hay ghét trẻ, áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hoặc thể hiện sự kỳ vọng không thực tế hay vô cảm đối với trẻ.

Những người lạm dụng tinh thần đối với trẻ cũng có thể có tiền sử sử dụng bạo lực hoặc gặp vấn đề về việc lạm dụng chất gây nghiện.

 HÌNH THỨC LẠM DỤNG TINH THẦN

Lạm dụng tinh thần trẻ em có nhiều hình thức. Đó có thể là những lời nói hoặc hành động xúc phạm hoặc coi thường trẻ, đó cũng có thể là sự thờ ơ hoàn toàn khiến trẻ cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Đôi khi lạm dụng tinh thần xảy ra còn có sự kết hợp của lạm dụng thể chất, tình dục hoặc bỏ mặc, không quan tâm đến trẻ.

Lạm dụng tinh thần thường thể hiện qua lời nói, hoặc cách cư xử của người lớn đối với trẻ khiến trẻ cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Việc thiếu thốn tình cảm xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không thể hiện tình yêu đối với trẻ, hoặc không cho trẻ có cảm giác có được sự quan tâm cần thiết, đầy đủ.

Lạm dụng tinh thần đối với trẻ có thể gây ra bởi bất kỳ người lớn nào. Sau đây là một vài ví dụ:

- Một người cha thường xuyên lạm dụng bia rượu. Anh ta say xỉn mỗi đêm và la hét, đe dọa trẻ
- Một người mẹ thường xuyên vùi đầu vào máy tính và không chú ý đến con cái
- Một người mẹ kế nói với đứa trẻ rằng ước gì nó không tồn tại
- Một đứa trẻ thường xuyên phải chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình
- Một người giữ trẻ liên tục la hét, quát mắng trẻ
- Một giáo viên lấy học sinh ra làm trò đùa khi cô/cậu bé gặp vấn đề với giọng đọc của mình...

 HẬU QUẢ CỦA VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN

Cùng với lạm dụng thể chất, lạm dụng tinh thần gây ra những hậu quả nghiêm trọng và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Lạm dụng tinh thần đối với một đứa trẻ có thể chỉ là những hành động của người lớn khiến trẻ có cảm giác không được yêu thương. Hậu quả của việc trẻ bị lạm dụng tinh thần bao gồm:

- Khó duy trì các mối quan hệ lành mạnh: Việc lạm dụng tinh thần có thể cản trở khả năng một đứa trẻ xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với người lớn. Một đứa trẻ gặp những vấn đề liên quan đến cảm xúc từ thời thơ ấu sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ khi trưởng thành, khó tin tưởng và thân thiết với người khác, hoặc khó giải quyết những vấn đề rắc rối trong các quan hệ xã hội…
- Có nguy cơ mắc các vấn đề rối loạn tâm thần: Những thanh thiếu niên đã từng bị lạm dụng tinh thần khi còn nhỏ thường có khả năng gặp phải những chứng bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần. Trầm cảm, lo lắng hay những bệnh lý tâm thần khác có khả năng kéo dài đến tuổi trưởng thành. Đặc biệt, những người có tiền sử bị lạm dụng tinh thần cũng có nguy cơ tự tử cao hơn khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
- Nguy cơ mắc những vấn đề xã hội: Theo nhiều nghiên cứu, những người bị lạm dụng tinh thần khi còn nhỏ dễ có nguy cơ sử dụng bạo lực ở tuổi thanh thiếu niên hoặc trở thành tội phạm xã hội
- Nguy cơ lặp lại chu kỳ lạm dụng: Nếu không có sự can thiệp kịp thời, những đứa trẻ bị lạm dụng tinh thần khi còn nhỏ sẽ có xu hướng lặp lại việc lạm dụng tinh thần này với con của chúng trong tương lai.

Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào từng bị lạm dụng tinh thần khi còn nhỏ cũng đều có những vết sẹo kéo dài theo suốt cuộc đời. Điều này còn phụ thuộc vào thời gian, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của việc trẻ bị lạm dụng tinh thần. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ và can thiệp của cha mẹ, ông bà hoặc những người thân thiết với trẻ cũng có khả năng giúp trẻ tránh được những tác động tiêu cực của việc bị lạm dụng tinh thần.

 PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ LẠM DỤNG TINH THẦN CHO TRẺ

Nếu như một đứa trẻ bị lạm dụng tinh thần, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phải đảm bảo an toàn cho con, sau đó mới tìm những phương pháp điều trị thích hợp. Nếu như cha mẹ nghi ngờ việc con mình bị lạm dụng tinh thần bởi những người khác như giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ, hãy tách trẻ ra khỏi người đó ngay lập tức và nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia nếu cần thiết. 

Người lạm dụng tinh thần đối với trẻ cũng cần phải điều trị tâm lý, đặc biệt trong trường hợp đó là cha mẹ. Cha mẹ có thể tham gia các lớp nuôi dạy con để có những phương pháp phù hợp trong việc dạy dỗ trẻ, tránh việc lạm dụng tinh thần đối với trẻ.

Cha mẹ cũng có thể nhờ đến những chuyên gia tâm lý hỗ trợ trẻ nếu như phát hiện trẻ bị ảnh hưởng bởi lạm dụng tinh thần. Ngoài ra, nên cho trẻ học thêm các kỹ năng mới, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để hướng trẻ đến việc biết giải quyết vấn đề một cách lành mạnh.

 PHÒNG TRÁNH VIỆC TRẺ BỊ LẠM DỤNG TINH THẦN NHƯ THẾ NÀO?

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng tâm lý cho trẻ. Trẻ em không được yêu thương, chăm sóc đầy đủ, thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ của gia đình, thiếu sự gương mẫu của cha mẹ, người thân đều là những yếu tố tạo điều kiện cho trẻ bị lôi cuốn, lợi dụng, trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần thể hiện sự quan tâm cần thiết đối với trẻ, tích cực trò chuyện và dạy trẻ cách phân biệt được giữa cách cư xử tốt và xấu, khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ của bản thân, tâm sự với trẻ thường xuyên… Nếu như một trong hai người là cha hoặc mẹ có những hành vi thể hiện sự lạm dụng tinh thần đối với trẻ, người còn lại cần trao đổi trực tiếp và có những biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời.

💥💥 Tóm lại, trẻ con là đối tượng rất dễ bị lạm dụng tinh thần bởi sự yếu ớt và phụ thuộc của trẻ vào người lớn, đặc biệt trong xã hội hiện đại khi người lớn dễ gặp những vấn đề căng thẳng trong công việc, cuộc sống… Chính vì thế, thông qua bài viết này, Mầm nhỏ hy vọng cha mẹ có thể học được cách nhận biết và phòng tránh việc trẻ bị lạm dụng tinh thần, để tuổi thơ của con được hồn nhiên, trong sáng và không phải chịu bất kỳ hậu quả đáng tiếc nào theo suốt quãng đời trưởng thành sau này của con….

Nguồn: https://www.verywellfamily.com/what-is-emotional-child-abuse-4157502
https://www.healthyplace.com/abuse/emotional-psychological-abuse/emotional-abuse-definitions-signs-symptoms-examples

Bài viết liên quan

 LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ

LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ

Mẹ và bé

💡 LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TRẺ❓❓Trí tưởng tượng có sức ảnh hưở
Xem chi tiết
TẠI SAO CHÚNG TA NÊN DẠY CON TỰ MẶC QUẦN ÁO?

TẠI SAO CHÚNG TA NÊN DẠY CON TỰ MẶC QUẦN ÁO?

Mẹ và bé

✌ Bố mẹ có biết mặc quần áo cũng là một trong những kỹ năng quan trọng với các bạn nhỏ,
Xem chi tiết
8 CÁCH ĐỂ GIÚP TRẺ SỐNG TÍCH CỰC HƠN

8 CÁCH ĐỂ GIÚP TRẺ SỐNG TÍCH CỰC HƠN

Mẹ và bé

Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những điều tích cực, đặc
Xem chi tiết
0946 626 646