Loading Loading

CHỌN TRƯỜNG MẦM NON CHO CON: LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT NGÔI TRƯỜNG CÓ PHÙ HỢP VỚI CON BẠN?

CHỌN TRƯỜNG MẦM NON CHO CON: LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT NGÔI TRƯỜNG CÓ PHÙ HỢP VỚI CON BẠN?

Phần 1: Tìm hiểu và tham quan trường

Đi nhà trẻ là một sự thay đổi rất quan trọng của cả con và cha mẹ, quan trọng đến mức mà nhiều người coi nó là sự thay đổi lớn thứ hai sau sự ra đời của con. Trường học chính là mái nhà thứ hai, nơi con có những người bạn đầu tiên, những thầy cô đầu tiên, những bài học đầu tiên. Do đó, khi phải ra một quyết định chọn ngôi trường mầm non cho con theo học, mình chắc chắn rằng nhiều bố mẹ cảm thấy hoang mang, không biết lựa chọn của mình có chính xác không, có điều gì ở ngôi trường đó không phù hợp với con mình không.

Việc đầu tiên bố mẹ cần làm đó là có những tiêu chí lựa chọn rõ ràng trong đầu về học phí, về quãng đường đi lại, về quan điểm giáo dục. Từ đó, bố mẹ có thể khoanh vùng những ngôi trường phù hợp trong “tầm ngắm”. Việc cuối cùng là nghiên cứu kĩ lưỡng về ngôi trường đó để xem có thực sự xứng đáng không. Mầm nhỏ đã tập hợp lại những “bí kíp” để tìm hiểu kĩ hơn về trường, hi vọng có thể giúp các bố mẹ dễ dàng hơn trong việc chọn lựa trường cho con.

1. TÌM HIỂU QUA CÁC NGUỒN THÔNG TIN THỨ CẤP

Công việc đầu tiên các cha mẹ thường làm khi tìm hiểu về các trường mầm non là lướt web, vào xem thông tin trên website, facebook của trường, diễn đàn phụ huynh của trường, các diễn đàn như webtretho và lamchame. Ngoài ra, cha mẹ có thể hỏi thông tin từ bạn bè, hàng xóm, các cha mẹ đang có con học ở đó để có thêm lời khuyên.

Tuy nhiên, các bố mẹ nên tỉnh táo khi ‘xem xét’ các thông tin nhé. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt và bố mẹ chúng cũng vậy, mỗi bố mẹ có một kỳ vọng riêng và tiêu chí lựa chọn riêng về trường lớp của con, nên nếu trường đó hợp với con của họ không đồng nghĩa với việc nó cũng sẽ phù hợp với con của bạn.

Trong quá trình tìm kiếm thông tin, mình thường viết ra những điều mình còn “lăn tăn” về trường để đặt câu hỏi với họ khi có cơ hội trao đổi trực tiếp.

2. ĐẾN THĂM TRƯỜNG

Sau khi tìm hiểu qua về trường, có thể danh sách các trường trong tầm ngắm của bố mẹ đã giảm đi. Lúc này, bố mẹ nên đặt một cuộc hẹn với những trường mà bố mẹ kì vọng là phù hợp với con mình để chứng kiến tận mắt cuộc sống của những đứa trẻ ở đó, để thấy tư duy giáo dục của trường có giống với suy nghĩ và định hướng giáo dục mà bạn đang theo đuổi không, và quan trọng nhất là để trực giác của người mẹ mách bảo nơi đó có thể là “ngôi nhà” cho con không nhé.

Hãy đến trong giờ làm việc của trường, để thấy được các hoạt động thường ngày của các con. Vậy khi đến trường, bạn nên nhìn vào những điểm nào, gặp ai và trao đổi những gì?

2.1. CƠ SỞ VẬT CHẤT

Bước vào trường, điều mình có thể đánh giá đầu tiên là cơ sở vật chất. Dù trường bạn đến là trường công hay trường tư, trường nhỏ hay trường lớn thì đều cần phải xem xét các vấn đề sau:

• Vệ sinh: Hãy lia tầm nhìn thật nhanh xem tất cả có sạch sẽ và không khí có thoáng đãng không.

Nhiều mẹ chia sẻ với mình một vấn đề phổ biến của các trường mầm non Hà Nội là các trường thường nằm trong các tòa nhà chung cư, hoặc là các là các nhà “hộp” nhiều tầng trong phố. Không khí mà trẻ hít thở hàng ngày là từ điều hòa hoặc mùa đông là lò sưởi. Rất tiếc là các nhà khoa học Mỹ (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ - The Environmental Protection Agency) khuyến cáo rằng khi chúng ta ở trong môi trường điều hòa không khí thường xuyên, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn, nhất là các bệnh về tai – mũi – họng, bệnh hô hấp và bệnh da liễu. Điều này là do hệ thống điều hòa không khí không thổi khí tươi mà chỉ luân chuyển không khí có sẵn trong phòng. Điều đó làm cho bụi, ẩm mốc, vi khuẩn/ virus gây bệnh của các trẻ bị bệnh không có khả năng lưu thông và thoát ra ngoài, và từ đó làm cho những người sống trong đó dễ nhiễm bệnh hơn.

Hãy hỏi về giải pháp lưu thông không khí và số giờ chơi ngoài trời của trẻ để xem có hợp lý không nhé.

• Hãy kiểm tra nhanh độ an toàn: cầu thang có tay vịn ngang tầm của con không, mặt sàn có bằng phẳng, các tủ kệ (kể cả các tủ kệ đặt ở dưới đất như tủ giày dép) có được gắn chắc chắn lên tường không, những gì trong tầm với của con có an toàn không, cửa sổ có thanh chắn bảo vệ không... Bạn hãy tưởng tượng trung bình mỗi cô giáo sẽ chăm sóc khoảng 10 trẻ, không thể thường xuyên để mắt đến chúng mọi lúc mọi nơi. Vì vậy một môi trường an toàn là cực kỳ quan trọng.

• Không có gì ngại khi bạn ghé thăm nhà vệ sinh của trường: có khô ráo sạch sẽ, có mùi khó chịu không, có đủ rộng để phục vụ cho số lượng trẻ trong trường không, có thân thiện cho trẻ tự rửa tay và vệ sinh cá nhân không. Bạn biết không, nhiều trẻ do “trải nghiệm” nhà vệ sinh ở trường bất tiện, xa lớp học và không thoải mái đã nhịn tiểu, gây ra nhiễm trùng tiểu, viêm thận, rất có hại cho sức khỏe, lại ảnh hưởng tâm lý đi học của bé.

• Nếu được phép, hãy ghé thăm cả khu vực bếp núc của nhà trường. Nếu trường đặt thức ăn nấu từ bên ngoài mang vào, hãy hỏi tên và giấy phép của nhà cung cấp để kiểm tra uy tín của họ. Còn nếu trường tự nấu, bạn vào bếp thấy đồ ăn vừa nấu xong được cho vào đồ đựng bằng nhựa, thấy có ruồi muỗi, đồ sống để lẫn đồ chín, rác được để gần khu chứa đồ ăn, hoặc đơn giản là đồ ăn cho các con khi nấu xong không được che đậy cẩn thận, thì bố mẹ nên cân nhắc có yên tâm gửi con ở đó không nhé. Có rất nhiều thứ có thể nhìn thấy trong bếp, hãy dùng trực giác của mình để cảm nhận nhé các mẹ.

• Sân chơi/ nơi vận động: các bạn bé trên 3 tuổi rất cần một môi trường vận động để lớn lên. Với các trường đông học sinh, thường phòng thể chất, sân chơi hoặc các dụng cụ giáo dục thể chất không thể phục vụ hết nhu cầu hoạt động của con trẻ, phải thay phiên nhau sử dụng dẫn đến thời gian hoạt động thể chất bị rút ngắn. Vì thế nếu bạn quan tâm đến cơ hội vận động của con, hãy ghé thăm phòng thể chất, hoặc nhìn ra sân chơi xem vào giờ chơi, có bao nhiêu đứa trẻ chơi ở đó trên tổng số học sinh, liệu chiếc cầu trượt ở đó có đến lượt con chơi không nhỉ?

• Thiết kế, trang trí: thiết kế của một trường học không nên lấy làm tiêu chí quá quan trọng để chọn trường cho con, tuy nhiên nếu bạn nhìn thấy trên các bức tường chẳng có nổi một hình vẽ trang trí màu sắc hoặc không treo một sản phẩm sáng tạo nào của các con, mình sẽ đặt câu hỏi liệu các giáo viên và quản lý trường có dành sự nhiệt tình và tâm huyết cho trường học của họ hay không, và liệu họ sẽ làm mọi điều tốt nhất có thể cho việc giáo dục những đứa trẻ chứ. Nếu như vậy thì các bố mẹ đang gửi con ở đó chắc cũng không quan tâm lắm đến những gì diễn ra ở trường. Do vậy, ngôi trường đó có thể là nơi không phù hợp với con đâu.

• Giáo cụ trong lớp học:

Cho dù trường học theo đuổi 1 phương pháp giáo dục sớm nào, (hoặc là họ marketing như vậy), hãy nhìn vào lớp học để biết nếu con học ở đó thì sẽ có cơ hội được chơi và khám phá hay không nhé.

Cá nhân mình không “sính” các trường quá học thuật nơi bạn nhìn thấy trên giá đồ chơi và giáo cụ chỉ là flashcard và các bài luyện IQ. Hiệp hội Quốc gia về giáo dục trẻ nhỏ Hoa Kỳ (National Association for the Education of Young Children) cũng khẳng định quá chú tâm vào học thuật ở lứa tuổi mầm non sẽ dần dần làm triệt tiêu sự yêu thích học tập của trẻ; Các giáo sư ở đây khuyên rằng, mỗi đứa trẻ có tính cách và hành vi khác nhau, hãy cho trẻ chơi các trò đóng kịch, đọc sách, khuyến khích trẻ giao tiếp để khai thác các thế mạnh riêng của con, qua đó trẻ không chỉ học mà còn tận hưởng quá trình được trải nghiệm.

Cá nhân mình mong đợi nhìn vào một lớp học sẽ thấy các con bận rộn ở các góc khác nhau, đứa thì chơi đóng vai làm bác sĩ, đứa thì làm cô bán hàng, hay chú cảnh sát, đứa thì làm thủ công, và các giờ học trải nghiệm thì có bông hoa thật, một cây rau thật cho con được tận mắt ngắm nhìn, sờ mó và hít hà, có giá sách trong tầm với của các con với nhiều sách, truyện cho lứa tuổi của con.

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646