Loading Loading

BỐ MẸ MỸ DẠY CON TỪ 6 – 10 TUỔI VỀ TIỀN BẠC: CON NÊN ĐI MỘT VÒNG VÀ SO SÁNH GIÁ CẢ TRƯỚC KHI MUA

BỐ MẸ MỸ DẠY CON TỪ 6 – 10 TUỔI VỀ TIỀN BẠC: CON NÊN ĐI MỘT VÒNG VÀ SO SÁNH GIÁ CẢ TRƯỚC KHI MUA

Chắc hẳn các bố mẹ cũng nhận thấy việc giúp trẻ sớm biết cách sử dụng hợp lý tiền bạc là điều cần thiết cho tương lai của con. Trẻ em trong gia đình thường bị ảnh hưởng bởi thói quen tiêu dùng của bố mẹ, tuy nhiên rất ít phụ huynh Việt dành thời gian để dạy con về tiền bạc và cách chi tiêu hợp lý thông minh. Tại một số nước trên thế giới, ngay từ khi còn nhỏ, các bé đã được bố mẹ hướng dẫn cho những kỹ năng cần thiết trong việc quản lý chi tiêu. Hãy cùng tham khảo kinh nghiệm của bố mẹ Mỹ khi dạy con về tiền bạc với những gợi ý về hoạt động giúp con nhận thức được điều này như sau:

CÙNG CON SO SÁNH NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH GIÁ CẢ:
1. SO SÁNH CHẤT LƯỢNG
Bắt đầu từ 6 tuổi, trước khi mua một món đồ gì bố mẹ nên hướng dẫn con biết cách so sánh các mặt hàng khác nhau cả về giá cả và chất lượng. Con nên xem xét lựa chọn một sản phẩm ở cả bao bì đóng gói và định lượng đóng gói. Vì độ cầu kỳ của bao bì cũng quyết định đến giá cả của mặt hàng.
 Ví dụ cùng một hãng mỳ ăn liền, nhưng họ lại đóng gói loại mỳ ấy thành hai cách khác nhau là mỳ gói và mỳ hộp, bao giờ mỳ trong gói cũng sẽ có giá rẻ hơn là mỳ trong các hộp nhựa. Nếu mình ở nhà có đủ bát đũa để ăn, có thể mua gói nhưng nếu để mang mỳ đi ăn khi du lịch hay làm việc, những nơi không có bát đũa thì mỳ hộp sẽ tiện lợi hơn.
Đối với định lượng đóng gói cũng vậy, ví dụ như một gói bún khô có định lượng 200gr nếu so giá với một gói bún 1kg bao giờ cũng sẽ đắt hơn. Nếu gia đình ăn thường xuyên nên chọn mua gói bún 1kg nhưng nếu không ăn thường xuyên thì dù 1kg tính ra rẻ hơn nhưng nếu để lâu không sử dụng hết cũng sẽ hỏng phải bỏ đi gây lãng phí, giá thành tính ra lại không hề rẻ hơn. Chính vì vậy bố mẹ nên lưu ý trẻ mua sắm đồ dùng theo nhu cầu sử dụng.
2. XEM XÉT CÔNG NĂNG SỬ DỤNG
Việc lựa chọn một sản phẩm nào đó cũng phụ thuộc vào công năng của sản phẩm. Bố mẹ nên dạy cho trẻ hiểu con cũng cần chú ý đến món đồ mình cần mua có tính năng sử dụng như thế nào, có phù hợp với nhu cầu mình cần dùng hay không.
 Ví dụ như khi bố mẹ cần mua một máy điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ nhưng khi đến cửa hàng để tham khảo thấy có rất nhiều loại với các công năng khác nhau như máy điều hòa một chiều, hai chiều… Lúc này bố mẹ sẽ suy nghĩ xem điều hòa chỉ dùng vào mùa hè khi trời nóng thôi hay sẽ sử dụng cả chế độ sưởi vào mùa đông. Nếu nhà mình đã có sẵn máy sưởi ấm khi trời lạnh rồi thì chỉ cần điều hòa làm mát, vậy nên bố sẽ chọn mua máy một chiều để có giá rẻ hơn. Nhưng nếu trong phòng cần điều hòa dùng được cả hai mùa khi trời nóng và lạnh thì dù đắt hơn một chút bố mẹ vẫn sẽ lựa chọn mua loại hai chiều.
3. SO SÁNH CÁC THƯƠNG HIỆU
Mỗi sản phẩm đều có rất nhiều các hãng sản xuất, nhiều thương hiệu để lựa chọn: từ các thương hiệu cao cấp đắt tiền, đến các thương hiệu bình dân giá thành hợp lý hơn. Việc có nhiều thương hiệu với các mức giá khác nhau như vậy để phù hợp với nhu cầu và mục đích tiêu dùng của từng gia đình. Bố mẹ cũng nên chỉ cho trẻ điều này để con cân nhắc đến thương hiệu của một món đồ trước khi mua.
Ví dụ như bố rất thích một đôi giày thể thao của một hãng rất nổi tiếng, nhưng giá của nó lại đắt do uy tín của hãng giày rất cao. Trong khi ở cửa hàng bán đồ thể thao gần nhà cũng có một đôi giày đẹp và nhẹ để bố có thể tập thao hàng ngày, giá thành cũng rẻ hơn nữa, bố cũng chỉ cần dùng để tập thể thao nên không quá coi trọng thương hiệu, nên bố sẽ chọn mua của thương hiệu bình dân ở cửa hàng gần nhà.
4. TÌM HIỂU NGUỒN GỐC SẢN XUẤT
Bố mẹ có thể nhận thấy có rất nhiều sản phẩm và mặt hàng tuy là của một nước bán ra thị trường nhưng nơi sản xuất sản phẩm đó lại ở một nước thứ ba.
Ví dụ một chiếc điện thoại di động của Mỹ hoặc của Hàn Quốc nhưng lại đều có dòng chữ “Made in China” ghi nơi sản xuất là ở Trung Quốc. Các con có thể thắc mắc rằng đó có phải những sản phẩm chính hãng, đạt tiêu chuẩn không, có đúng của các thương hiệu đó không hay chỉ là sản phẩm nhái giống như vậy. Lúc đó bố mẹ nên giải thích cho con hiểu, rằng các thương hiệu thường đặt nhà máy sản xuất ở nước thứ 3, nơi có nguồn lao động lớn để giảm bớt chi phí sản xuất hơn là tự sản xuất ở nước của họ. Và khi đó giá thành bán ra các sản phẩm này cũng sẽ hợp lý hơn với người mua.
5. LƯU Ý MUA HÀNG THEO MÙA VỤ
Giá thành của một số mặt hàng cũng thường thay đổi theo mùa vụ, đặc biệt là các loại thực phẩm. Đặc biệt như các loại trái cây, rau củ quả… phụ thuộc rất nhiều vào mùa trồng trọt và thu hoạch. Nếu đúng vào vụ mùa, giá thành sẽ rẻ hơn là tìm mua thực phẩm đó khi trái mùa. Bố mẹ có thể lưu ý với trẻ điều này.
 Ví dụ vào mùa hè có các loại rau như rau muống, rau ngót, mồng tơi… còn mùa đông là rau bắp cải, su hào, súp lơ… Bố mẹ nên chỉ con ưu tiên mua các loại rau đúng mùa vừa có giá rẻ hơn mà lại đảm bảo được chất lượng tươi ngon khi vừa thu hoạch, tránh sử dụng các thực phẩm không đúng mùa sẽ có nhiều chất bảo quản hơn, không tốt cho sức khỏe và giá cũng dễ tăng cao do khó trồng trọt và chăm sóc hơn.
6. LỰA CHỌN HÀNG NỘI ĐỊA HOẶC NHẬP KHẨU
Hiện nay các mặt hàng nhập khẩu ngày càng đa dạng hơn về cả chủng loại và số lượng. Rất nhiều sản phẩm đa dạng từ thực phẩm, trái cây, bánh kẹo cho đến các đồ dùng hóa mỹ phẩm hàng ngày. Đa phần các mặt hàng nhập khẩu thường được đóng gói bao bì nhìn rất mới lạ và bắt mắt, các bạn nhỏ rất dễ bị thu hút bởi những món đồ nhập khẩu.
Tuy vậy các sản phẩm nhập khẩu thường có giá cả chênh lệch cao hơn so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Bố mẹ có thể giải thích một số lý do cho các bạn ấy, để cân nhắc về chất lượng so với giá thành:
- Đồ nhập khẩu phải chịu chi phí vận chuyển lớn, các loại thuế nhập khẩu.
- Đồ nhập khẩu từ các nước phát triển thường có giá cao hơn do tương quan nền kinh tế khác nhau.
- Sản phẩm từ các nước phát triển, các thương hiệu lớn... thường phải đạt nhiều tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, hoặc sản xuất tại các nước phát triển tốn nhiều chi phí hơn cho nhân công, nguyên vật liệu...
Một số trường hợp nên ưu tiên sản phẩm trong nước không chỉ vì lí do giá cả, tiết kiệm tiền, mà còn bởi sản phẩm trong nước (nhất là thực phẩm, hoa quả) sẽ tránh được các chất bảo quản do phải vận chuyển xa, ủng hộ sản xuất trong nước.
Ví dụ như con rất thích mua dâu tây để làm sinh tố, trong siêu thị có cả dâu tây Đà Lạt, Việt Nam và dâu tây của Hàn Quốc với giá cao gấp 3 lần. Thì bố mẹ có thể hướng dẫn con cân nhắc, mua dâu Việt Nam có thể chua hơn 1 chút, quả nhỏ hơn 1 chút, nhưng mình làm sinh tố nên có thể cho thêm sữa tươi, nước cốt dừa, sữa đặc có đường, vẫn ra được 1 cốc sinh tố thơm ngon.

Và một điều nho nhỏ nhưng có ý nghĩa to to là các mẹ và con nên lưu ý khi đi chợ hay đi siêu thị đừng quên mang túi vải, túi to có khả năng tái sử dụng nhiều lần để đựng đồ, hạn chế dùng nhiều túi ni lông nhé.*

CHỈ DẪN CON CÁCH THAM KHẢO VÀ SO SÁNH GIÁ Ở CÁC NƠI MUA SẮM:
Hoạt động này có thể làm khi bé bắt đầu biết đếm, biết tính. Để so sánh giá cả, nhiều khi hai mẹ con cần đến tận chợ hay siêu thị để khảo giá vì mỗi nơi lại niêm yết giá khác nhau cho cùng một món đồ. Bé có thể tự chuẩn bị 1 cuốn sổ ghi chép nhỏ và đi theo bố mẹ, ghi chép những quan sát về giá cả của các mặt hàng nhất định trong 1 vài lần đi mua sắm.

Nếu việc khảo giá tại nhiều địa điểm quá mất thời gian, bố mẹ có thể hướng dẫn con tham khảo giá trên mạng và mua hàng trực tuyến để tiết kiệm thời gian mà dễ dàng nắm được mức giá tốt nhất. Mầm Nhỏ sẽ có một bài riêng về mua sắm trực tuyến vào tuần tới cho bố mẹ tham khảo nhé!

Ví dụ, khi con thích một cuốn sách ở hiệu sách, bố mẹ có thể gợi ý con tìm mua cuốn sách trên mạng với giá phải chăng hơn hơn. Đồng thời, bố mẹ cùng trẻ so sánh giá trên những trang web khác nhau và thậm chí là các con có thể cân nhắc cả việc mua sách cũ.

HƯỚNG DẪN CON SỬ DỤNG KHUYẾN MÃI GIẢM GIÁ:
Nếu có PHIẾU GIẢM GIÁ hay thẻ quà tặng khi mua hàng, bố mẹ nên tập cho trẻ sử dụng để bé có thể hiểu được dần dần về những giá trị mà việc khuyến mãi mang lại. Trẻ sẽ biết tiêu dùng thông minh hơn khi cân nhắc rằng mình có thể mua món đồ này với giá rẻ hơn nếu có khuyến mãi.

Bố mẹ có thể nhắc trẻ đợi đến những CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI giảm giá nhân các dịp lớn trong năm, trong tháng để mua đồ giảm giá. Như vậy con có thể để dành được một khoản nhỏ sau đó để mua những món khác, và cũng có thêm thời gian suy xét xem con có thực sự cần nó hay không.

Ngoài ra, trẻ cũng nên biết đến hình thức GIẢM GIÁ KHI MUA SỐ LƯỢNG LỚN. Ở lứa tuổi này, bố mẹ có thể giải thích cho bé về khái niệm sỉ và lẻ. Nhưng bố mẹ cũng lưu ý nên chỉ cho trẻ hiểu không phải lúc nào cũng mua số lượng lớn, vì nếu mua quá nhiều không dùng đến thì sẽ là lãng phí nhé! Bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ rằng nếu mua đồ cho cả gia đình có thể mua nhiều để được giảm giá như nhiều chai dầu ăn, nhiều chai sữa tắm... Hoặc mua cho bé thì mua lẻ từng hộp sữa sẽ đắt hơn là mua cả thùng sữa để dành uống dần, lúc đó bé cần phải tính xem thùng sữa này mình có kịp uống hết trước khi quá hạn sử dụng hay không để tránh bỏ đi lãng phí.

Bố mẹ cũng nên lưu ý với các bạn nhỏ không nên quá ham vào việc khuyến mãi và mua quá nhiều các sản phẩm giảm giá. Việc chi tiêu luôn cần được cân nhắc và tính toán thật kĩ. Vì nếu cứ thấy mặt hàng được khuyến mãi nhiều mà chúng ta không tính xem nhu cầu sử dụng đến đâu, cứ mua với một số lượng lớn để tích trữ nhưng cuối cùng có thể vẫn không dùng đến thì lại vô cùng lãng phí.

Bài viết liên quan

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

Mẹ và bé

Tranh cãi, xích mích trong lúc chơi với nhau là điều rất phổ biến ở những đứa trẻ, điển hì
Xem chi tiết
NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

Mẹ và bé

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN? 😍😍 💁‍♀💁‍♂ Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũn
Xem chi tiết
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

Mẹ và bé

Một trong những điều khiến bố mẹ vô cùng đau đầu là làm thế nào để con giữ cho phòng của
Xem chi tiết
0946 626 646